Chiều tối, khi mặt trời khuất bóng cũng là lúc chương trình giao lưu cồng chiêng Tây Nguyên ở Đà Lạt bắt đầu tại bản làng Lát dưới chân núi Langbiang huyền thoại. Đến đây các em học sinh trường THPT Trần Nhân Tông sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào thiểu số, thưởng thức rượu cần, thịt nướng bên ánh lửa bập bùng cùng với điệu nhạc và âm vang cồng chiêng.
Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai, Mạ… Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Tham gia chương trình này, các em học sinh nhà trường sẽ có cơ hội tìm hiểu và tham gia những nghi lễ, tập tục truyền thống của người dân bản địa trên vùng đất cao nguyên Lâm Viên này. Cùng hòa mình trong lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, dưới làn gió mát, trăng thanh, du khách sẽ cùng những chàng trai cô gái dân tộc Lạch nhảy múa quanh bếp lửa hồng bập bùng trong giai điệu cồng chiêng vang lừng, cùng nhâm nhi những ché rượu cần và thưởng thức món thịt rừng nóng hổi.
Một số hình ảnh trong chương trình giao lưu: